Ngày 11/01/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo và toàn thể cán bộ công chức của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Theo báo cáo tổng kết của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một số nội dung hoạt động và kết quả chính đạt được trong năm 2023 như sau:
– Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp hiệu quả và kịp thời của các đơn vị trong và ngoài Bộ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương.
– Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là 159.986 lao động (55.804 nữ), đạt 133,3 % kế hoạch được giao (110.000 – 120.000 lao động). Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Nhật bản: 80.010 lao động (34.523 nữ); Đài Loan (Trung Quốc): 58.620 lao động (18.430 nữ); Hàn Quốc: 11.626 lao động (1.073 nữ); Trung quốc: 1.806 lao động (02 nữ); Hungary: 1.539 lao động (735 nữ); Singapore: 1.355 lao động nam; Rumani: 840 lao động (159 nữ); Ba Lan: 797 lao động (155 nữ); Hồng Kông: 584 lao động nam; Malaysia: 480 lao động (185 nữ); Ả rập xê út: 444 lao động (352 nữ); Liên bang Nga: 266 lao động (39 nữ); Macao: 169 lao động (50 lao động nữ) và một số thị trường khác.
– Về công tác xây dựng văn bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp, tham gia với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện trình Bộ, trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư; báo cáo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS của Hàn Quốc; trình Bộ ban hành Thông tư định mức kinh tế – kỹ thuật về đào tạo ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trình Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Về công tác đàm phán, ký kết và triển khai các Thỏa thuận quốc tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan đàm phán và trình Bộ ký Bản Ghi nhớ Bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Việc làm – Lao động Hàn Quốc về Chương trình EPS; Bản ghi nhớ với Bộ Nguồn nhân lực Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) trong lĩnh vực nhân lực; Bản Ghi nhớ về hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc với Tập đoàn Hyundai Mipo; đàm phán Bản ghi nhớ/Thỏa thuận về hợp tác tiếp nhận lao động với một số quốc gia như CHLB Đức, Australia, Hy Lạp; Hungary, Ba Lan, I-xra-en; Ả-rập Xê-út, Thái Lan và Singapore cũng như với chính quyền một số địa phương tại Nhật Bản;
– Tham mưu, chuẩn bị nội dung, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan của Việt Nam và Nhật Bản tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản tại Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức Cục Quản lý lao động ngoài nước trong năm 2023, mặc dù tình hình thế giới, khu vực vẫn có những ảnh hưởng, tác động đến lĩnh vực công tác chuyên môn của Cục, đã cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác duy trì, ổn định thị trường lao động truyền thống, từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như Châu Âu, Australia; công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Về nhiệm vụ công tác trong năm 2024, Thứ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục công tác ổn định thị trường lao động ngoài nước; tiếp tục thăm dò và mở rộng thị trường lao động mới, ngành nghề tiếp nhận với công việc ổn định, thu nhập cao; thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết các Thỏa thuận/Bản Ghi nhớ với một số quốc gia về hợp tác tiếp nhận lao động; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thị trường lao động ngoài nước.
Thay mặt đơn vị, đồng chí Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng như những ý kiến đóng góp xây dựng của các đơn vị thuộc Bộ. Trong năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ chủ động tập trung triển khai ngay công tác trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong thực hiện công tác chuyên môn của Cục, ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế cũng như những công việc trọng tâm khác, đồng thời tiếp tục động viên cán bộ, công chức nỗ lực, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.